Bạn từng học tiếng Anh vài ba năm trở lên, đã lấy chứng chỉ B, thi TOEIC, thi cả Toefl nữa. Bạn sử dụng tiếng Anh khá thông thạo trong hầu như mọi tình huống bình thường, nhưng đôi lúc bạn vẫn cảm thấy mình thiếu một cái gì đó, một kỹ năng nào đó có thể giúp bạn nắm bắt được toàn bộ ý nghĩa của những câu nói hay bài viết bạn gặp phải hàng ngày.
Cuốn sách Chuyện Chữ Nghĩa Tiếng Anh dành riêng cho bạn. Nó không phải là sách hướng dẫn nghe hiểu hay đọc hiểu mà chỉ đề cập đến một phần nhỏ rất căn bản của kỹ năng hiểu tiếng Anh; làm sao giải quyết những khác biệt trong vỏ bọc hai ngôn ngữ để có thể hiểu tường tận mọi câu tiếng Anh, kể cả những hàm ý, những lối chơi chữ, óc khôi hài của dân Anh và những cách dùng mới của các câu thông dụng. Lấy một ví dụ đơn giản nhất: nghe câu way to go! Bạn sẽ nghĩ nó dễ quá và không cần quan tâm.
Rằng way là con đường to go là đi, vậy way to go là đi theo đường nào (?). Khá hơn, bạn có thể gắn cho nó một nghĩa đúng là có dùng trong thực tế: đường còn xa, còn lâu mới xong. Nhưng thật ra way to go với dấu chấm than mang nghĩa tán thưởng, “Chà, hay quá!” Một nước cờ hay, một giải pháp tức thời, một cú banh tuyệt vời, tất cả được tán thưởng bằng câu “Way to go!”. Một ví dụ khác: beats me. Trả lời phỏng vấn báo chí về dự báo thị trường máy tính cho đến năm 2015, chẳng hạn, một doanh nhân tuyên bố: “Beats me!”
Trong trường hợp này, beat không còn mang ý nghĩa đánh đập nữa, người này chỉ muốn nói: “Tôi không biết”. Hãy xét một ví dụ phức tạp hơn. Trong một bài báo viết về sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, tác giả viết: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng dạng so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu đi? Để diễn đạt ý Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị trường nước Mỹ]?, tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa.
Thật ra trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với dạng so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc, nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.
Hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ đem đến cho bạn những kinh nghiệm bổ ích, giúp bạn vượt qua những chướng ngại của rào cản ngôn ngữ.